Địa chỉ: Nguyễn Văn Tỏ, Long Bình Tân, Tp. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Danh mục
Bài viết
Sản phẩm

Nguy cơ bảo mật Camera IP giá rẻ bán vỉa hè

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhấn mạnh về nguy cơ bị cài cắm mã độc từ những mẫu camera giá rẻ này. "Camera có thể bị cài cắm malware bên trong. Do thiết bị luôn kết nối Internet, dữ liệu hình ảnh có thể được chuyển về máy chủ từ xa", ông Thắng giải thích. "Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng cho các mục đích xấu, nhất là với các thông tin nhạy cảm hoặc có giá trị về mặt kinh tế, xã hội hoặc quân sự". Ông Thắng đã phân tích một vài mẫu camera giá rẻ trên thị trường và tìm thấy malware trong những thiết bị này.
30/11/2022 419 lượt xem

Tại một quầy bán thiết bị điện tử tại khu chợ Nhật Tảo (quận 10), nhiều loại camera giám sát không dây (camera IP) có hộp hoặc chỉ bọc nilon được bày bán la liệt với giá hơn 100.000 đồng.

Người phụ nữ bán hàng đã ngoài 50 tuổi thấy có khách đến, liền rút chiếc điện thoại cài sẵn ứng dụng và kết nối với chiếc camera hiệu Yoosee. Màn hình điện thoại của chị bắt đầu phát những hình ảnh mà chiếc camera ghi lại. Chị giới thiệu camera này có độ phân giải Full HD cùng rất nhiều tính năng: xoay 360 độ, đàm thoại hai chiều, phát hiện chuyển động, lưu video qua thẻ nhớ gắn kèm.

Người bán cho hay mỗi ngày chị bán được 5 - 7 bộ, có hôm hơn 10 bộ. Cửa hàng sẽ tự bảo hành máy cho khách, nhưng không có giấy tờ kèm theo.

Trên đường 3/2 (quận 10), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hay Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), những mẫu camera này được bày trên các xe bán dạo, thậm chí bày bán ngay trên vỉa hè. Điểm chung là sản phẩm của các thương hiệu Trung Quốc, nghe khá "lạ", như Yoosee, Siepem, Hamscy... Một số mẫu chỉ có mã số, như Y57, C205.

Các mẫu camera IP được bày bán với giá chưa tới 200.000 đồng. Ảnh: Bảo Lâm.
 

Các mẫu camera IP được bày bán với giá chưa tới 200.000 đồng. Ảnh: Bảo Lâm.

Phần lớn thiết bị có thiết kế dạng tròn (dome), một số dạng hộp có mái che (box). Chất liệu bằng nhựa, nhưng các mối nối không liền mạch, kết cấu lỏng lẻo, kém chắc chắn. Thiết bị đi kèm thẻ nhớ dung lượng tới 512 GB. Một số lưu trữ dữ liệu trên "đám mây" với giá thuê vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Tên miền máy chủ có đuôi ".cn" hoặc ".com" và giao diện tiếng Trung Quốc.

Việc kết nối camera khá đơn giản, chỉ cần gắn vào vị trí cần thiết, cắm điện cho camera hoạt động, cài ứng dụng quản lý lên smartphone và kết nối với hệ thống Wi-Fi của gia đình. Thử nghiệm của VnExpress thấy hình ảnh và màu sắc khá nhợt nhạt và khó nhìn. Khi điều khiển sang các góc khác nhau, camera chuyển hướng chậm, độ trễ khi nhận lệnh lớn.

 

Theo một người kinh doanh camera IP tại TP HCM, các loại camera giá rẻ trên được sản xuất bởi các công ty nhỏ, không tên tuổi ở Trung Quốc. Chúng có giá rẻ là bởi sử dụng vật liệu rẻ tiền và không qua các công đoạn kiểm định về chất lượng nhằm mục đích giảm giá thành. Ngoài ra, cũng có những mẫu đến từ các thương hiệu uy tín nhưng lại là hàng lỗi, được "tuồn" ra ngoài thay vì bị tiêu hủy.

Anh Lê Long (quận Bình Thạnh) mới mua một camera IP hiệu Siepem. Ban đầu, thiết bị cho hình ảnh "chấp nhận được", nhưng chỉ sau hơn một tháng, camera hoạt động không ổn định, kết nối Internet chập chờn và thường xuyên mất kết nối. Chất lượng video cũng không còn như ban đầu. Sau một tháng sử dụng, anh Long phải vứt bỏ cho đỡ ức chế và chuyển sang một thương hiệu khác phổ biến hơn.

Trên một hội nhóm chuyên về camera trên Facebook, người dùng tên Le Dinh đã mua một chiếc camera IP nhãn hiệu Yoosee từ "shop" vỉa hè với giá 200.000 đồng. Tuần trước, nhà anh bị mất cắp xe máy. Camera vẫn ghi lại hình ảnh kẻ trộm dắt xe đi, nhưng không thể xác định khuôn mặt kẻ xấu do độ phân giải video quá thấp, gian lại tối.

Một số người đã mua camera IP giá rẻ kiểu này cũng thừa nhận thiết bị nhanh xuống cấp, hình ảnh chập chờn, không rõ nét, nhiễu, loạn màu sắc..., thậm chí không ghi được hình sau thời gian ngắn sử dụng, nhất là với những camera ngoài trời. Họ thường chọn cách vứt đi và mua sản phẩm mới thay thế.

Theo anh Đức Luân, chuyên gia của công ty FPT Camera, camera an ninh giá rẻ, xuất xứ không rõ ràng, thương hiệu "nhái" hoặc không uy tín ẩn chứa hiểm họa về an toàn thông tin. "Về cơ bản, camera IP là một máy tính cỡ nhỏ kết nối Internet, nên người dùng có thể bị đánh cắp dữ liệu", anh Luân giải thích. "Để tiết kiệm chi phí, các mẫu camera này sẽ không được trang bị các giải pháp bảo mật dữ liệu về phần cứng và phần mềm, không có các bản vá bảo mật thường xuyên, thậm chí người dùng cũng không cần tài khoản và mật khẩu truy cập, nên hình ảnh trong gia đình rất dễ bị rò rỉ ra ngoài".

Theo anh Luân, cách thức thông thường là hacker sẽ đột nhập vào hệ thống mạng gia đình, sau đó xâm nhập camera và quan sát tất cả mọi người từ xa. Việc làm này được thực hiện một cách âm thầm, người dùng khó phát hiện. Từ đó, gia đình dễ bị kẻ xấu theo dõi, nguy cơ bị trộm cắp rất cao, hay những hình ảnh nhạy cảm bị đưa lên mạng.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhấn mạnh về nguy cơ bị cài cắm mã độc từ những mẫu camera giá rẻ này. "Camera có thể bị cài cắm malware bên trong. Do thiết bị luôn kết nối Internet, dữ liệu hình ảnh có thể được chuyển về máy chủ từ xa", ông Thắng giải thích. "Dữ liệu này sau đó có thể được sử dụng cho các mục đích xấu, nhất là với các thông tin nhạy cảm hoặc có giá trị về mặt kinh tế, xã hội hoặc quân sự". Ông Thắng đã phân tích một vài mẫu camera giá rẻ trên thị trường và tìm thấy malware trong những thiết bị này.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, camera an ninh là một trong những thiết bị có lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo TNP, hồi tháng 10/2020, một nhóm hacker cho biết đang có danh sách của 50.000 camera IP bị nhóm này tấn công. Những video bị đánh cắp có thời lượng từ 1 phút đến hơn 20 phút, ghi lại cảnh các cặp vợ chồng, gia đình đang sinh hoạt, phụ nữ cho con bú... ở phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh đang mở. Hầu hết cảnh quay đều "nhạy cảm", người trong video mặc hở hang, một số trong tình trạng khỏa thân. Các nạn nhân được xác định chủ yếu tại Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Canada.

Theo các chuyên gia bảo mật, người dùng cần chọn các thương hiệu camera IP uy tín, đã khẳng định chất lượng trên thị trường. Người mua cần ưu tiên kiểm tra các biện pháp bảo mật dữ liệu của camera IP. Khi sử dụng, nên đổi mật khẩu mặc định, đặt mật khẩu đủ mạnh và thường xuyên cập nhật bản vá bảo mật. Ngoài ra, cần để ý đến các tình trạng bất thường của camera, như tự động xoay.

Bảo Lâm

 

 

 

Top
X